Tản Mạn Về Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ

 nguyen-truong-to-cac-thay

Huỳnh Ái Tông

Tôi được thuyên chuyển về Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ năm 1970, cho đến nay nhìn lại những thăng trầm của vận nước nổi trôi, của đời người, đôi khi tôi nhớ tới ngôi trường cũ, tôi đã phục vụ dưới hai chế độ. Tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm, một vài dấu ấn, một khía cạnh cuộc đời.

    Tưởng cũng nên nhắc lại, nơi Trường Nguyễn Trường Tộ tọa lạc hiện nay, tôi đã vào học lớp Đệ Thất với tên Trường là Kỹ Thuật Phan Đình Phùng, chi nhánh của Kỹ Thuật Cao Thắng vào năm 1956, vào năm 1957 tôi được ông Giam Đốc Nha Kỹ Thuật và Mỹ Thuật Học Vụ Kỹ sư Cầu cống Trần Văn Bạch cho tôi và một số học sinh khác tạm trú trong khuôn viên của Nha, lúc đó gồm có Trung Học Kỹ Thuật Phan Đình Phùng gồm 5 lớp học nằm dãy lớp sát đường Phạm Đăng Hưng, một lớp Kỹ Sư Công Nghệ đầu tiên của Việt Nam, nằm cuối dãy lớp và Trường Quốc Gia Âm Nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Phụng làm Giám Đốc, sinh viên Kỹ sư và học sinh Phan Đình Phùng học ban ngày, sinh viên Quốc Gia Âm Nhạc học ban đêm.

    Cho nên chuyển về Trường Nguyễn Trường Tộ đối với tôi, chỉ lạ người, nhưng cảnh không lạ. Trước đó tôi dạy ở Trường Kỹ Thuật Y-ÚT Banmêthuột từ năm 1966, đầu năm 1968 tôi bị động viên vào Thủ Đức khóa 27, sau 8 tháng học, ra trường lại vào học chuyên ngành ở Trường Quân Cụ Gò Vấp, gồm hai khóa, khóa Cơ Bản Quân Cụ và khóa Chuyên ngành Quân Xa. Tháng 5 năm 1969 ra trường, tôi chọn đơn vị vùng 4, được phân phôi về Đại Đội 21 Quân Cụ, sau đó chuyển thành Đại Đội Bảo Toàn, Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận thuộc Sư Đoàn 21.

    Nơi đây ngày đầu tiên trình diện đơn vị, tôi đã gặp một người bạn học cũ, anh với tôi vừa là bạn học, vừa là bạn đồng ngũ sau lại là đồng nghiệp tại Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ này, đó là giáo sư Hồ Ngọc Thu bạn tôi.

    Năm mới về Trường, tôi được phân công dạy Kỹ Nghệ Họa các lớp 8 và hai lớp Sinh Công, năm sau trở đi tôi mới dạy lớp 9, lớp 10. Hồi đó, Trường Nguyễn Trường Tộ chỉ dạy hết lớp 9, lên lớp 10 các em được chuyển về Cao Tháng, những học sinh này, ngày nay tôi chỉ nhớ có Lê Văn Tuấn con của Tổng Giám Thị Cao Thắng Lê Văn Thống, Bùi Khắc Toàn cháu của Giám Thị Bùi Khắc Triệu.

    Sau Trường cơi thêm lầu, nâng lên Đệ Nhị Cấp, nên các em học sinh mang bảng đỏ như Nguyễn Đình Đông, Nguyễn Tăng Cường Bảo, Vũ Ngọc Anh Thọ,… là những học sinh Đệ Nhị Cấp Kỹ Thuật tiên phong của Trường.

    Trường lúc tôi mới về do Ông Phan Kim Báu làm Hiệu Trưởng, Trưởng Phòng Học Vụ và Học Sinh Vụ, giáo sư Nguyễn Văn Phấn đảm nhiệm, Tổng Giám Thị ông Nguyễn Văn Ban, các Giám Thị gồm có các ông Bùi Khắc Triệu, Trần Văn Sáng, Võ Văn Mạo, y tá Bà Chi. Tổng Giám Xưởng Ông Lâm Văn Trân. Ở phòng hành chánh, Ông Lê Bá Thanh, Trưởng phòng, có các cô thư ký Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Phích, Nguyễn Văn Tuấn, Lý Thanh Giảng và tùy phái ông Nguyễn Văn Tư (thân phụ cô Nga, thư ký sau này).

    Xưởng Ô Tô có giáo sư Phạm Hữu Giỏi, kỹ sư Huỳnh Văn Hòa. Xưởng Nguội có giáo sư Bùi Văn Hanh, Tạ Quan Mùi, Lưu Minh Tuấn, Lâm quang Thuận. Xưởng Máy Dụng cụ có giáo sư Giảng Huệ Thắng, Nguyễn Ngọc Thượng, Trần Minh Châu, Mẫn, Duyệt. Xưởng Kỹ Nghệ Sắt có giáo sư Hồ Văn Dầy, Hồ Ngọc Thu, Đặng Vĩnh Thanh. Xưởng Kỹ Nghệ Gỗ có giáo sư Lê Tha, Lý Thuận Thành, Võ Văn Thủ. Xưởng Điện có giáo sư Bùi Danh Dinh Nguyễn Tấn Ấn.

    Nhân viên: các ông Đinh, Báu, Kiều Văn Trọng, Long, các bà Giàu, chị Biết, chị Sen.

    Về sau này, ở Xưởng có thêm các giáo sư Ngô Văn Chẳng (nguyên là Hiệu Trưởng Trường Tây Ninh), Lý Di Hằng, Nguyễn Quốc Hưng, Nguyễn Đình Lương. Tài xế ông Trần Văn Đức và gác cổng ông Nguyễn Văn Hòa.

    Giáo sư dạy Toán, Lý Hóa gồm có: Lê Thái Hòa, Lê Trung Hoan, Trần Hữu Phụng, Vũ Duy Thuận, Phan Đình Du, Nguyễn Anh Dõng, Vũ Xuân Hanh. Việt Văn: Vũ Hữu Quyến. Anh Văn: Hà Mộng Giao, Phùng Văn On, Vương Quang Tí. Pháp Văn: Nguyễn Tấn Lợi. Kỹ Nghệ Họa: Phạm Minh Phước, Nguyễn Mai Ninh. Vẽ: Nguyễn Ngọc Quế. Sau này còn có thêm các giáo sư: Lê Văn Giệp (Kiến trúc sư), Hoàng Văn Việt, Vũ Hữu Vĩnh (Quốc Gia Thương Mại).

    Về sau có những giáo sư dạy giờ như : Nguyễn Hữu Hồng, Huỳnh Đạt, Đỗ Minh Quân, Lý Trương Quang, Nguyễn Văn Quyền, Lê Tấn Hóa.

    Nhớ lại, khi mới lên Sàigòn học năm 1956, Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ tọa lạc tại 25 Bis Hồng Thập Tự có tên là COURS D’APPRENTISAGE, sau đó đổi thành Trường Thực Nghiệp và sau cùng được mang tên là Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, đó là tên của một nhà ái quốc đã dâng điều trần lên vua Tự Đức đề đạt những cải cách để canh tân nước nhà. Cuộc đời của Nguyễn Trường Tộ hẩm hiu thì Trường mang tên nó cũng cùng chung số phận đó.

    Xưa kia, trường được lập ra để đào tạo thợ có tay nghề, sửa chữa tàu bè của Hải quân Pháp, nên nó đã nằm gần những cơ sở của Pháp như bệnh viện Hải quân Pháp, sở Bason nhất là nó nằm cạnh Tòa Đại sứ Pháp, nguyên thủy khu vực bao quanh bởi các đường Hai Bà Trưng, Hồng Thập Tự, Mạc Đĩnh Chi, Thống Nhất, có ba phần, một phần chiếm phân nửa là Tòa Đại Sứ Pháp, một phần chiếm một phần tư sau này trở thành Tòa Đại sứ Hoa Kỳ và một phần tư còn lại là của Trường Nguyễn Trường Tộ. Năm 1945, Nhật lật đổ Pháp, chiếm Trường đóng quân, sau khi Pháp chiếm lại Sàigòn, quân đội Pháp tiếp thu Trường một thời gian, rồi chia ra làm đôi, một phần để cho Cảnh Sát sử dụng, đó là bót Cảnh Sát Quận 1, Trường chỉ còn một phần tư còn lại, gồm một nhà hai tầng làm văn phòng, một dãy lớp học có một tầng lầu chạy dọc theo hàng rào Tòa Đại sứ Pháp, và một phần Xưởng với sân chơi.

    Sau Mậu Thân (1968), Mỹ lấy toàn bộ nhà Trường, đổi lại xây cho Trường một cơ sở khang trang nằm trên miếng đất của Trường Y Khoa Quân Đội, nằm cạnh khu villa Chú Hỏa, bao bọc bởi đường Hùng Vương, Trần Nhân Tôn, Lý Thái Tổ, nơi đây đã có gắn bảng ghi rõ địa điểm xây cất Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, nhưng Trận Mậu Thân, nhiều nhà đồng bào bị cháy ở khu Vườn Lài, Sư Vạn Hạnh, nên chánh phủ lấy khu đất đó làm nơi tạm trú cho đồng bào bị hỏa hoạn, sau này không giải tỏa được.

    Sau đó, Trường dời tạm về trong khuôn viên Nha Kỹ Thuật Học Vụ, dùng cổng 65C Tự Đức, trong khi chờ đợi chánh phủ cất trường mới. Chánh phủ đã giải tỏa khu nghĩa địa rộng lớn ở Thủ Đức để cất Trung Tâm Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ, gồm có một giảng đường nối liền với phòng hành chánh, thư viện, bốn dãy lớp học, một số xưởng và bốn dãy ký túc xá với một nhà Hiệu Trưởng.

    Cơ sở này do Mỹ viện trợ, Đại Hàn trúng thầu xây cất, khởi thủy Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ gồm Trường Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật (Phú Thọ) và Trung Học Nguyễn Trường Tộ sáp nhập lại, ngày bàn giao cơ sở ông Phan Kim Báu đại diện nhận chìa khóa Trường. Những ngày đầu, các giáo sư Nguyễn Trường Tộ ban đêm phải thay phiên nhau canh gác để giữ Trường, nhờ đó các giáo sư có kinh nghiệm dù đi Thủ Đức dạy, hay học sinh đi học có xe đưa đón, nhưng rất bất tiện, bởi vì có khi chỉ dạy vài, ba giờ mà phải ở lại Trường cả ngày cho nên sau mấy tháng giữ Trường, Hội Đồng Giáo sư họp lại quyết định không nhận cơ sở ở Thủ Đức, quyết định ở lại trong khuôn viên Nha, do đó năm 1974 Trường cơi thêm lầu bốn, gồm bốn lớp học, có thể tháo vách ngăn biến thành hội trường dễ dàng. Nơi đây đã tổ chức Đại Hội Hội Phụ Huynh Học Sinh và Giáo Sư, còn những phiên họp của nhà Trường, như họp Hội Đồng Giáo sư, Hội Đồng Kỷ luật, Hội Đồng thi, thường họp ở Thư viện.

    Nói đến Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ Thủ Đức, tôi không quên một kỷ niệm. Toán trực đêm có tôi, gồm ông Lê Bá Thanh, trưởng phòng Hành Chánh, giáo sư Nguyễn Tấn Lợi và vài người nữa, giáo sư Lợi là người Long An, chắc học giỏi, được một nhà giàu ở Long Xuyên chu cấp cho du học ở Pháp, về sau anh về nước rồi cưới con gái của gia đình đã cho anh du học, lúc tôi về Trường thì giáo sư Lợi và vợ đã ly hôn, gia đình bên vợ giáo sư Lợi có quốc tịch Pháp, nên sau năm 1975, giáo sư Lợi đã được đi Pháp nhờ bên vợ bảo bọc. Giáo sư Lợi biết tôi là người Long Xuyên nên rất có cảm tình, nhiều đêm đã khuya, anh đi uống rượu về còn mang theo một con cua luộc, một chai bia lớn, đánh thức tôi dậy bảo tôi hãy ăn và uống, cua nguội, bia không lạnh rất khó ăn nhưng tình anh đối với tôi ấm cúng vô cùng, nên uống bia của anh phải nói là để nhớ đời, nhớ tình nhớ nghĩa với nhau.

    Có một đêm đi gác Trường ở Thủ Đức, giáo sư Lợi rủ tôi ra quán Chiều Tím, bên kia đường trước cổng Trường, mỗi người uống vài chai bia 33 rồi vào ngủ, khi ngủ tôi nằm kề ông Lê Bá Thanh, ông cũng là đồng hương Long Xuyên của tôi, chúng tôi nằm ngoài hành lang giữa các dãi lớp học và giảng đường, giáo sư Lợi nằm ngủ trong dãy lớp khoa học áp dụng vì nó có nhiều dãy bàn dài, anh để đèn néon cháy khoảng 24 bóng 1thước 2 nên sáng trưng cả trong lớp cũng như ngoài hành lang, nửa đêm chúng tôi đã ngủ bỗng phải thức dậy vì giáo sư Lợi đi tới đi lui, luôn miệng cằn nhằn, chửi thề, tôi không hiểu chuyện chi nên hỏi, ông ta trả lời:

    - Tức quá mà!

    - Cái gì mà anh tức, nói cho tôi nghe đi!

    - Tôi muốn vô phòng lấy quần áo mà không dám vô!

    - Sao vậy!

    - Tôi đang ngủ, nó kéo liệng tôi xuống đất!

    - Ai chơi cắt cớ vậy ? Đêm đã khuya rồi mà!

    - Nó!

    - Nó là ai?

    - Tôi có biết là ai! Nó mặc nguyên bộ đồ trắng, bỏ tóc xõa.

    Tôi hiểu, NÓ mà gáo sư Lợi ám chỉ là ma, nhìn kỹ, thấy giáo sư Lợi chỉ mặc độc chiếc quần xà-lỏn đen, tôi tuy cũng ớn da gà nhưng làm gan đưa giáo sư Lợi vào phòng lấy quần áo, trong phòng đèn sáng trưng, quạt ba bốn cái chạy quay vù vù, giáo sư Lợi vốn là sĩ quan từng đi qua Mã Lai học khóa sình lầy, đi Biệt kích, vậy mà sợ đến nỗi không dám vào phòng sáng như ban ngày!

    Tôi có nghe kể lại, khi Trường mới bắt đầu san bằng nghĩa địa, tất cả các cây phải đốn hết, nhưng có một cây khi người ta đem cưa máy đến để cưa thì cưa máy bị đứt chaine, người ta sử dụng một chiếc xe ủi, định chạy đến ủi cho cây ngã, chẳng dè trên đường đi xe bị sụp hầm, người ta dùng thuốc nổ để làm cho cây bị đứt thân rồi sẽ ngã xuống, nhưng ngòi nổ không cháy.

    Thấy chuyện lạ, ông Giám Đốc Nha Kỹ Thuật về nhà kể lại cho thân mẫu nghe, bà cụ khuyên ông Giám Đốc là người chủ công trình, nếu có quyền nên yêu cầu đừng đốn cây ấy, vì theo bà ta, đã có những hiện tượng không thể hạ cây, nếu nhứt định làm biết đâu sẽ có hại cho người chủ công trình. Do vậy, sau khi Trường cất xong, toàn bộ trống trơn trừ cái cây vừa kể nằm gần một dãy lớp học. Nghe nói, Phan Kim Minh, con ông Phan Kim Báu, anh của Phan Kim Dũng một đêm theo toán gác, mặc áo mưa ra gốc cây đó ngủ, không rõ Phan Kim Minh nói gì sau đêm ngủ dưới gốc cây kia.

    Năm 1985 hay 86, tôi có lên đó dạy mấy tháng, quên mất chuyện về cây kia, không rõ nó còn sống trơ gan cùng tuế nguyệt hay không?

    Nha cất nhắc ông Phan Kim Báu lên Thanh Tra, ông Phạm Văn Tài, giáo sư Cao Thắng về làm Hiệu Trưởng, hồi Trung Học, ông Tài hình như học sau tôi một lớp, nhưng tôi thi rớt Tú Tài Một, thế rồi ông Tài vượt qua tôi vào học Cao Đẳng Sư Phạm 4 năm, tốt nghiệp ngạch Giáo sư Đệ Nhị Cấp chuyên nghiệp, cùng khóa với ông Lê Kim Nghĩa, Lê Tấn Hóa… Hồi còn Sinh viên, ông Tài và tôi đối kháng nhau vì kẻ chống chánh phủ, người ủng hộ chánh phủ, ông Tài có được đi Nhật một chuyến để “Giải độc” phong trào phản chiến thời đó.

    Ông Tài là người, đã tổ chức Trại Du ngoạn Nha Trang năm 1974 cho Học sinh Nguyễn Trường Tộ, ông rất tháo vát, vốn là một Hướng Đạo sinh, ông trực tánh cho nên không được lòng Nha, sẵn dịp Nha Kỹ Thuật Học Vụ bị giải thể để thành lập Nha Học Chánh, người ta “cất nhắc” ông Tài lên chức Chủ sự phòng vật liệu của Nha Học Chánh, một nơi dễ có xu rủng rỉnh trong túi, nhưng ông Tài không muốn chút nào. Dù vậy, ông nhứt định phải ra đi và phải tìm người thay thế. Tôi đã được ông Tài chiếu cố, mặc dù ở Trường tôi chỉ dạy tròn trách nhiệm của mình, không đi trễ, về sớm, nên nghĩ tôi không có gì xuất sắc, tôi làm Hiệu Trưởng cũng như đi dạy nhưng mất thêm thời giờ, thêm trách nhiệm, tôi đã từ chối chức vụ này hơn hai lần rồi.

    Lần thứ nhất năm 1970, trước khi tôi rời Banmêthuột, ông Nguyễn Văn Huệ Hiệu trưởng Trường Y-Út dặn dò tôi:

    - Anh về nhớ ghé Nha, gặp ông Giám Đốc, tôi đã đề cử anh làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Kiến Hòa (Bến Tre), anh Nguyễn Văn Hoa Hiệu Trưởng (hiện định cư ở Úc) được học bổng đi du học ở Mỹ, cần người thay thế, Giám Đối hỏi tôi, tôi giới thiệu anh.

    Tôi về Sàigòn, trước khi trình diện ông Phan Kim Báu, tôi đã trình diện ông Lý Kim Chân, Giám Đốc Nha Kỹ Thuật, lúc đó phòng ông ở trong dãy lớp phía ngoài đường, nằm cạnh phòng Khảo thí. Tôi đã từ chối với lý do thật cần thiết là tôi muốn về Sàigòn để có điều kiện học thêm.

    Đến năm 1973 hay 74, Nha sắp thay đổi Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Gia Định, ông Trần Minh Hoàng gọi tôi vào phòng, ông nói:

    - Nha sắp thay đổi kỹ sư Thịnh, Trường Gia Định thiếu Hiệu Trưởng, tôi muốn anh lên thay thế chỗ đó.

    Tưởng cũng nói qua về ông Trần Minh Hoàng, Phó Giám Đốc Nha Kỹ Thuật Học Vụ, ông Hoàng đi du học ở Mỹ, có bằng Master, sau khi về nước, năm đầu tiên ông dạy Kỹ Nghệ Gỗ ở Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật, năm đó tôi học với ông, ông rủ tôi tới nhà chơi ở khu Ấp Đông Ba, Gia Định (Gần Nhà Thờ Ba Chuông), có khi ông chở tôi đi thăm ông Trần Quang Diệu, Bộ Trưởng Bộ Y Tế ở Làng Đại Học Thủ Đức. Khi ông làm ở Trường Đại Học Y Dược (Chợ Lớn), ông cũng rủ tôi về đó làm với ông. Có thể nói trong đám sinh viên đầu tiên ông dạy, ông mến tôi. Nên ông muốn tiến cử tôi, tôi lại từ chối, vì tôi cần thì giờ để đi học thêm.

    Ông Nguyễn Văn Huệ cũng muốn tôi trở lại Trường Y Út vì ông muốn rời chức vụ Hiệu Trưởng, đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký Đảng Dân Chủ tỉnh Darlac, và là Hội viên dự khuyết của Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia do Ông Trần Văn Hương Phó Tổng Thống làm Chủ Tịch, tôi cũng từ chối không muốn đi xa Sàigòn. Hè năm 1974, giáo sư Chuổi ở Trường Kỹ Thuật Nha Trang lên làm Hiệu Trưởng Trường này.

    Vậy sao tôi lại nhận làm Hiệu Trưởng Trường Nguyễn Trường Tộ? Đó là vì những lý do sau đây:

    Tôi không nhớ rõ, hình như lúc tôi đi làm Chủ Tịch Hội Đồng Giám Thị Tú Tài 2 Kỹ Thuật kỳ hai ở Nha Trang về thì ông Tài đã đi nhậm chức Chủ sự Phòng Vật Liệu của Nha Học Chánh, khi tôi về mới hay ông Tài đã ra đi, nhưng chưa có người thay thế nên phải làm việc cả hai nơi, hôm tôi từ Nha Trang về, nộp hồ sơ thi cử cho Nha rồi về Trường, ông Tài mời tôi vào văn phòng nói với tôi:

    - Tôi chưa muốn rời chức vụ này, nhưng tôi bị người ta đẩy tôi đi, tôi đã lên Bộ, khiếu nại với ông Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Liêm, ông ta cho biết nghị định của Bộ đã ký, không thể thay đổi được, nên ông ta cho phép tôi 2 điều:

    Một là tôi được đề cử một người thay thế..

    Hai là sau một năm làm việc, tôi muốn chuyển ra đi dạy học bất cứ Trường nào, tôi sẽ được bổ nhiệm ngay.

    Anh biết, tôi là cháu của ông Lưu Văn Tính, Tổng Trưởng Tài Chánh, cho nên tôi có chút quen biết. Vả lại, ông Thứ Trưởng đã hứa, tôi đề cử bất cứ ai, Bộ cũng chấp nhận. Theo ý kiến một số giáo sư ở Trường, họ đều mong muốn có một người Hiệu Trưởng là giáo sư của Trường lên làm, như vậy dễ thông cảm nhau hơn.

    Rất nhiều người muốn làm Hiệu Trưởng Trường này sau khi biết tin tôi đã nhận nhiệm vụ mới, tôi biết anh không có thế lực bằng những người đó, nhưng nếu anh chịu nhận làm Hiệu Trưởng Trường này, tôi hứa và bảo đảm anh sẽ được làm Hiệu Trưởng. Sở dĩ tôi chọn anh cũng là theo ý kiến của một số anh em ở Trường.

    Tôi không biết tính sao, vì ông Tài hỏi ý kiến đột ngột quá, tôi trả lời với ông Tài:

    - Anh thông cảm, tôi từ Nha Trang về mới biết anh đã thuyên chuyển, nay anh muốn tôi thay anh, tôi chưa nghĩ tới chuyện này, xin anh cho tôi suy nghĩ trong ba ngày.

    Ông Tài chấp nhận, nhắc nhở thêm khi tôi bước ra ngoài văn phòng Hiệu Trưởng:

    - Tôi hy vọng anh suy nghĩ kỹ và sẽ nhận lời cho tôi đỡ áy náy sau khi ra đi.

    Bước ra khỏi phòng Hiệu Trưởng, tôi nhớ mười năm trước, sau khi đỗ Tú Tài 2 Kỹ Thuật, có người đồng ý xuất tiền cho tôi đi du học ở Pháp. Tôi cũng xin cho tôi ba ngày để suy nghĩ rồi trả lời sau. Sau ba ngày suy nghĩ: Thọ ơn người rất dễ, nhưng trả ơn người mới khó. Tôi đã trả lời cám ơn và không nhận đi du học. Lần này tôi cũng phải hoãn binh 3 ngày để vấn kế.

    Về nhà, trong bữa ăn tôi nói lại chuyện được đề cử cho nhà tôi nghe, nhà tôi không ý kiến, con gái lớn tôi năm ấy 9 tuổi, nói:

    - Chịu làm Hiệu Trưởng đi cha!

    - Tại sao?

    - Vì con thấy ông Hiệu Trưởng Trường Bàn Cờ của con, ông ấy chỉ chấp tay sau lưng, đi tới đi lui tối ngày không có làm gì hết, sướng hơn mấy thầy, cô dạy học.

    Tôi nhớ lại, vài năm trước con gái út của tôi chào đời, tôi không biết đặt tên chi, tôi gọi ba đứa con lại hỏi:

    - Mình có em bé rồi, mấy con thích đạt tên chi?

    Cũng con gái lớn tôi nhanh nhẩu trả lời:

    - Đặt tên Kim Ngọc đi cha!

    - Sao lại đặt tên đó? Mẹ con Kim Chi, con Ngọc Diệp, em con Ngọc Phượng, em trai Ái Quốc, sao đương không lại chọn Kim Ngọc mà không là Ngọc Điệp hay Ngọc gì gì đó?

    - Tại con thích đào Kim Ngọc diễu có duyên.

    Cho nên sau ba ngày, tôi nhận lời với ông Tài, để đáp lại tấm thạnh tình của giáo sư Trường, để làm theo ý muốn trẻ con của các con tôi và cũng để thử coi ông Tài nói vậy mà phải vậy không? Và nhất là tôi cũng muốn thử thời vận một chuyến xem sao? Vì: Tại sao người ta cứ đem bả công danh ra nhử tôi hoài vậy?!

    Ông Bùi Khắc Triệu nghe tin hành lang tôi được đề cử làm Hiệu Trưởng, nên hôm sau đi uống cà phê sáng với ông Trần Văn Sáng, Tổng Giám Thị, chỉ có ba người, ông Triệu nói với tôi:

    - Ông được đề cử làm Hiệu Trưởng, theo tôi biết có nhiều ứng viên chạy chọt chức vụ này, nếu ông đồng ý, tôi sẽ lên Bộ nhờ người quen giúp ông, đền ơn người ta một tiệc rượu, tôi chung, ông khỏi lo.

    Tôi đáp lại với một chút suy nghĩ:

    - Cám ơn ông đã có lòng tốt muốn giúp tôi, thật ra tôi không cần, nhưng nể tình giáo sư Trường, nể lời ông Tài tôi phải nhận nhưng quyết không chạy chọt chi hết.

    Đúng là tôi cám ơn ông Triệu, ông tốt với tôi, nhưng nếu ông tốt hơn một chút, ông tự đi làm âm thầm và sau đó nói lại cho tôi biết cũng được, đàng này hình như có hậu ý. Thật tình tôi cũng muốn cứ để mặc thử coi ra sao, như tôi đã quyết định từ đầu.

    Một hôm tôi đi ngang qua phòng thanh tra, ông Chánh Thanh Tra Văn Văn Đây, từ trong phòng nói vọng ra cho tôi nghe:

    - Chào ông Xử lý!

    Tôi đáp lễ:

    - Dạ không dám! Chào ông Thanh Tra.

    Ông Đây với tôi không quen biết nhiều, chỉ quan hệ chút đỉnh, ông là Chủ Tịch Hợp Tác Xã Kiến Thiết Nha Kỹ Thuật, tôi là hội viên mua đất để cất nhà, khu đất này trên Gò Vấp, gần chỗ máy bay chở trẻ em di tản đi Mỹ bị tai nạn tháng 4 năm 1975. Về miếng đất này, tôi bỏ ra cũng mấy chục ngàn lúc đó, nhưng tôi không hề biết đất tôi tròn hay méo, nay thì tôi biết chắc là tôi không có gì!

    Qua lời ông Đây chào hỏi tôi, tôi biết Nha đã đề cử tôi làm Xử Lý Thường Vụ Hiệu Trưởng, để Bộ chọn lựa Hiệu Trưởng. Tôi lại nghĩ thầm, để xem đề cử của Nha với ông Tài, bên nào nặng ký hơn.

    Tại sao Nha không đề cử tôi làm Hiệu Trưởng mà chỉ đề cử xử lý, đây là trường hợp tế nhị về Hành chánh, lúc đó Nha đang giải thể, Nha Học chánh đã hoạt động, nên Nha Kỹ thuật Học Vụ không muốn dẫm chân lên Nha Học Chánh, đề cử Xử Lý trong lúc Nha không còn quyền nữa thì cũng như là một lời gửi gắm. Dẫu sao trong thâm tâm tôi cũng cám ơn ông Giám Đốc Lý Kim Chân về việc này.

    Về ông Lý Kim Châm, tôi luôn kính trọng ông là người có đạo đức, tư cách, khi tôi vào học Cao Thắng, ông là giáo sư dạy Điện, sau đó làm Giám Học Trường Cao Thắng, rồi làm Hiệu Trưởng Trường Kỹ Thuật Vĩnh Long, sau đổi về làm Phó Giám Đốc Nha, cuối cùng làm Giám Đốc.

    Nghe nói Bộ đã có ý định bỏ Nha Kỹ Thuật Học Vụ từ lâu, nhưng ngại ông Lý Kim Chân, vì mỗi lần hội họp, hay đón đưa Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đi công du, Tổng Thống gặp ông Chân đều chấp tay chào Thầy rất cung kính, cho nên Bộ Giáo Dục phải đợi tới lúc ông Lý Kim Chân về hưu, mới xóa sổ Nha Kỹ Thuật Học Vụ .

    Trước 1975, ở Việt Nam có “Hội Cựu Sinh Viên Các Trường Kỹ Thuật Việt Nam”, hội này Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là Hội viên danh dự, Đô Đốc Trần Văn Chơn là Hội Trưởng Danh Dự, Hội Trưởng cuối cùng, nếu tôi nhớ không lầm là Đại Tá Hải Quân Trần Văn Lịch, hàng năm thường họp ở Câu Lạc Bộ Hải Quân, là một chiếc xà lan nằm ở bến Bạch Đằng, những năm họp như vậy tôi thường thấy có ông Lý Kim Chân, ông Phan Văn Mão, ông Nguyễn Hùng Trương, giám đốc nhà sách Khai Trí, ông Phan Kim Báu, … Mỗi lần họp luôn luôn vinh danh những thầy giáo đã về hưu, có Thầy Thanh gần 80 tuổi ở Cần Thơ năm nào cũng lên dự, mọi người đều rất kính trọng ông. Cho nên không lạ gì Tổng Thống Thiệu kính trọng ông Lý Kim Chân.

    Chẳng mấy hôm ông Tài báo cho biết, tôi đã được Bộ cử làm Hiệu Trưởng Chính thức của Trường, ông thúc hối tôi chuẩn bị bàn giao để ông rảnh tay lo tổ chức, thật sự ra mọi thủ tục bàn giao các phòng, các Xưởng đều đã tiến hành, kiểm kê, lập biên bản, chỉ chờ tổ chức lễ bàn giao mà thôi.

    Ông Lưu Minh Tuấn nghe nói tôi đã được cử làm Hiệu Trưởng, liền gặp riêng tôi nói:

    - Tôi nghe nóị mừng cho ông được lên chức Hiệu Trưởng, nhưng cũng phải chọn ngày giờ cho tốt để làm lễ Bàn giao, không phải chỉ tốt xấu cho ông mà nó có ảnh hưởng cho cả Trường, nếu ông không nghĩ cho ông thì cũng nên nghĩ dùm cho người khác.

    Tôi hỏi lại:

    - Vậy ngày lễ Bàn Giao nó quan trọng lắm sao?

    - Quan trọng lắm chớ, sau đó ông là người đầu tàu, ông cũng như Tướng cầm binh ra trận, cho nên chọn ngày giờ tốt để Trường được yên ổn, anh em thuận hoà vui vẻ với nhau. Hay là để tôi chở ông đi đến ông Nhuần, nhờ ổng xem dùm.

    - Ừ, vậy thì đi!

    Thế là ông Tuấn lấy xe gắn máy chở tôi đến nhà thầy Nguyễn Khánh Nhuần, ở trong con hẻm xế chợ Tân Định.

    Thầy Nguyễn Khánh Nhuần, tôi có học với ông nhiều năm về Sử Địa, ông dạy chỉ cốt giảng cho học sinh hiểu, nhớ, không bắt trả bài. Theo lời ông kể, xưa kia ông học Sư Phạm dạy Mẫu giáo cho trẻ con Pháp ở Đông Dương, do đó giọng đọc phải thật chuẩn để dạy con nít Pháp nói tiếng Pháp, đại sứ Lào ở Sàigòn là bạn của ông, bà Souvana Phouma là bạn học với ông, ông dạy học ở Lào, đệ nhị thế chiến xảy ra, ông trôi nổi qua Thái làm nghề thầy bói, sau chiến tranh mới về Việt Nam dạy học lại.

    Ông Tuấn cùng tôi vào gặp Thầy Nhuần, chính ông Tuấn giới thiệu tôi sắp làm Hiệu Trưởng và nhờ Thầy coi ngày giờ để làm lễ bàn giao. Thầy nghe xong vui vẻ chúc mừng tôi rồi sốt sắng bấm tay tính ngày giờ nói với tôi và ông Tuấn. Vì ông Tài muốn đi gấp, nên Thầy Nhuần chọn ngày giờ tương đối tốt mà thôi.

    Lễ bàn giao được tổ chức tại Trường, ông Phạm Văn Tài không mời ai ở Nha Kỹ Thuật Học Vụ, chỉ mời ông Trần Ngọc Thái, Giám Đốc Nha Học Chánh chủ tọa, ông Nguyễn Hữu Tỵ Chánh Sự Vụ, ông Lê Văn Kiệt Chủ Sự Phòng của Nha Học Chánh.

    Tổng kết lại, dưới thời ông Phạm Văn Tài làm Hiệu Trưởng, ông có tổ chức cho học sinh một tuần lễ du ngoạn ở Nha Trang bằng tàu Hải quân, tổ chức lễ rước tượng của ông Nguyễn Trường Tộ, do giáo sư Trường Mỹ Thuật Biên Hòa tặng, lễ rước tượng này chỉ đi từ Nha Kỹ Thuật, 48 Phan Đình Phùng, qua Phạm Đăng Hưng rồi vào cổng Tự Đức của Trường. Ông có xin được một số máy xe hơi của Quân Đội từ Căn Cứ Long Bình và tổ chức lại các Xưởng.

    Một tiệc “Tống cựu nghinh tân”, tức là tiễn chân ông Phạm Văn Tài, rời nhiệm sở và mừng tôi mới nhậm chức đã được tổ chức tại một quán ăn bên kia cầu Phan Thanh Giản, quán này ngày nay tôi quên tên, đây là một quán ăn có món “cua rang muối” ngon đặc biệt, anh em cũng thường hay đi ăn ở đây, buổi tiệc gồm đông đủ các giáo sư ở Xưởng cũng như ở lớp và nhân viên văn phòng, cũng có mời ông Hội Trưởng Phạm Văn Sự tham dự.

    Nha Kỹ Thuật giải tán, cơ sở bàn giao cho Sở Thể Dục Thể Thao, phân phối về Trường ông Lê Văn Tuất, ông Nguyễn quang Trấn, ông Tuất tôi đưa vào phòng Hành chánh vì ông là Thư ký của ông Giám Đốc Lý Kim Chân, am tường về hành chánh, cũng chuẩn bị thay cho ông Lê Bá Thanh sắp về hưu sớm để bành trướng việc kinh doanh của gia đình. Anh chị Thanh có cơ sở thêu hàng xuất khẩu Cẩm Tú, chị Lê Bá Thanh tốt nghiệp Trường Nữ Công Gia Chánh, khóa đầu tiên. Ông Trấn được cử làm Giám Thị, Trường cũng tuyển thêm Giám thị Nguyễn Văn Thành, nguyên là cựu quân nhân.

    Khi ông Lý Kim Chân về hưu, nhà Trường tổ chức một bữa tiệc cũng tại nhà hàng bên kia cầu Phan Thanh Giản, cũng đông đủ các giáo sư của Trường, tôi thay mặt Ban Giám Đốc Trường cùng toàn thể giáo sư và nhân viên, phát biểu nói lời cám ơn ông Giám Đốc đã tận tụy trong ngành giáo dục kỹ thuật và chúc ông vui hưởng tuổi già, sức khỏe dồi dào và trao cho ông món quà kỷ niệm. Ông Giám Đốc đáp từ cám ơn nhà Trường đã tổ chức tiễn ông về hưu, nói lên mối chân tình giữa những nhà giáo, những người vì sự nghiệp giáo dục kỹ thuật và ông cũng cám ơn về món quà đã tặng cho ông.

    Tôi làm Hiệu Trưởng chừng nửa tháng thì tiếp nhận dãy lầu bốn, dãy lầu này do Nha đứng chủ đầu tư, Trường chỉ tiếp nhận sau khi nhà thầu xây cất xong và vài tháng sau, Trường nhận được hai máy tiện của Đài Loan, ông Tài nói với tôi:

    - Tôi không biết vì sao Nha nhập về một số máy cho các Trường, mà Nguyễn Trường Tộ không có cái nào, tôi bắt nhà thầu phải giao cho Nguyễn Trường Tộ 2 cái, Trường nào thiếu tính sau.

Ông Tài tức cũng phải, vì khi ông làm Hiệu Trưởng, Nha mua sắm máy cho các Trường mà không phân bổ cho Nguyễn Trường Tộ, nay ông là Chủ Sự Phòng Vật Liệu, ông có quyền bắt nhà thầu phải nghe theo, nhờ vậy Trường có thêm 2 máy Tiện.

    Nhà tôi ở là Cư Xá của chánh phủ thuộc Toà Đô Chánh, Cư Xá Đô Thành, xây cất đâu từ năm 1950, khi tôi về ở, cửa đã mục, tôi mua cửa mới, nhờ Thầy Thủ giúp thay dùm, thay xong Thầy Thủ lấy một cây thước ra đo, tôi thấy cây thước ngắn hỏi:

    - Thước chi mà ngắn vậy Thầy.

    - Thước Lỗ Ban.

    Ông giải thích luôn:

    - Thước này của ông Phan Văn Mão, Thầy nhớ không, mấy năm trước Xưởng Kỹ Nghệ Sắt mỗi năm chết một ông, chết lãng nhách, không đau bệnh, tối ngủ sáng ra chết như Thầy Vầy đó, ông Mão cho mượn thước này đo. Xưởng có hai cửa, cửa nào cũng cửa Tử, nên mấy ổng thay phiên nhau chết, tụi tui bèn thay cửa khác, mấy năm nay Thầy thấy không còn ai chết nữa hết. Nhà của Thầy cửa cũng xấu, để tôi làm cho nó tốt không bệnh hoạn, có tiền vô ra uống cà phê mỗi sáng Thầy!

    - Vậy thì ông làm sao, nói thử tôi nghe với?

    - Có hai cách, một là mình làm lớn ra, hai là làm nhỏ lại, làm sao khi mở cả hai cửa cho nó nằm vô chữ tốt của cây thước, còn nữa nếu mình làm mà tâm cửa không thay đổi thì một năm mới có kết quả, còn mình làm cho tâm cửa thay đổi thì nhanh chóng hơn, chỉ chừng ba tháng là có kết quả. Cho nên để về Trường, tôi làm cho Thầy 2 cây nẹp, một cây lớn một cây nhỏ, đóng mỗi bên một cây, cửa sẽ bị hẹp lại một chút chừng 5 phân, nhưng tâm cửa không còn ở chính giữa nữa.

    Cho nên ai đến nhà chơi, để ý thấy cửa có đóng 2 tấm nẹp ở hai bên khung không bằng nhau, ông Trần Văn Sáng tinh ý một hôm tới chơi nhìn cửa rồi nói:

    - À! Có ngón nghề hé!

    Tôi đáp:

    - Sản phẩm của ông Thủ đó!

    Tôi nhớ năm đó nhà Trường bầu cử lại Hội Phụ Huynh Học Sinh và Giáo Sư, Ban Chấp Hành có Thiếu Tá Phạm Văn Sự, Chỉ Huy Phó Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Gia Định. Hội Trưởng, Trọng Tài Đậu Văn Du, Phó Hội Trưởng, Bà Chi Thủ Quỹ….

    Còn về Hiệu Đoàn, do giáo sư Phùng Văn On phụ trách.

    Tôi có nhờ giáo sư Lê Văn Giệp thiết kế cổng trường và xây thêm một số lớp học, thoạt tiên giáo sư Giệp từ chốị nhưng không hiểu sao, về sau ông lại gặp tôi xin nhận thiết kế giúp cho Trường. Ông Giệp là Kiến Trúc Sư, ông hiểu luật lệ, nếu vẽ một công trình trị giá bao nhiêu thì phí thiết kế ít nhất là 10%, bây giờ ông vẽ do tôi nhờ vẽ giúp tức là ông vẽ chùa, không có đồng nào, nhưng ông cũng biết Trường lấy đâu ra tiền trả cho ông 10% trị giá xây dựng, còn ông muốn hành nghề Kiến Trúc Sư trong khi là giáo sư chính thức của Trường, ông phải được Hiệu Trưởng đồng ý, chắc ông nhớ, tôi đã ký cho ông được phép hành nghề trước đó không lâu, cho nên chắc ông thấy mình phải làm cái gì đó góp công cho Trường. Bảng thiết kế của ông Giệp khá đẹp, tân thời, tận dụng không gian nhưng tiếc rằng chúng ta không có thời gian để thực hiện.

    Ông Giệp có người em gái, nhờ tôi dạy kèm Kỹ Nghệ Họa, năm đó cô thi đậu vào Trường Đại Học Kiến Trúc, năm sau người em họ của ông, chị của em Nghĩa học sinh của Trường cũng nhờ tôi dạy kèm, nhưng em này không đậu vào Kiến Trúc.

    Trường có con của hai ông Tướng theo học, em Trần Thiện Toàn con của Thiếu Tướng Trần Bá Di Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và em Lê Quốc Nam, con của Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng Tư Lệnh Binh Chủng Dù.

    Em Toàn thi đậu vào Trường Kỹ Thuật Phong Dinh (Cần Thơ), do vì Tướng Trần Bá Di Tư Lệnh Sư Đoàn 9, thuyên chuyển về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung nên xin cho em chuyển Trường, Còn Lê Quốc Nam, có bằng Trung Học Kỹ Thuật nên xin vào học ở Trường qua trung gian của Thiếu Tá Trực, Trưởng Phòng An Ninh của Sư Đoàn Dù, là bạn học của giáo sư Nguyễn Anh Dõng.

    Sau khi em Toàn đã vào học một thời gian, Thiếu Tướng Trần Bá Di có vào thăm Trường, tôi có hướng dẫn Thiếu Tướng đi thăm lớp học và các Xưởng, sau đó Thiếu Tướng có tặng cho Trường 50 ngàn đồng, Vào dịp Tết năm đó, Trung Úy Hoàng, chánh văn phòng của Thiếu Tướng có đem tới Trường biếu tôi 2 chai rượu Rémy Martin VSOP, một chai tôi đã uống với ông Lâm Văn Trân, Phùng Văn On ở quán ven đường Hai Bà Trưng vào những ngày dầu sôi lửa bỏng, chai còn lại tôi uống với Thiếu Tá Chỉ Huy Phó Cảnh Sát Quận 5, vài hôm sau khi Sàigòn đã mất, nhà chúng tôi vách liền vách, ông ta buồn mà tôi cũng buồn nên uống rượu để giải sầu vong quốc!

    Qua Thiếu Tá Trực, thỉnh thoảng báo Tướng Lê Quang Lưỡng ở vùng một về, Chuẩn Tướng mời chúng tôi đi ăn cơm. Thế là giáo sư Dõng đưa tôi đi, có lần ở Đại La Thiên Chợ Lớn, lần sau cùng có cả giáo sư Phùng Văn On, ăn ở Đệ Nhất Khách Sạn, lần nào cũng vậy, đến nơi Thiếu Tá Trực cho biết ông Tướng gửi lời xin lỗi chúng tôi, vì bận việc không đến được. Cho đến nay, tôi nghĩ hình như Thiếu Tá Trực chịu khó mời và chịu khó xin lỗi để giữ cho nhà Trường và ông Tướng một mối giao hảo tốt đẹp. Ông Bà Lê Quang Lưỡng cũng có tặng cho Trường 50 ngàn đồng.

    Tôi có đến Phòng An Ninh Sư Đoàn Dù, thăm Thiếu Tá Trực một lần, ông tiếp đãi tôi rất thân mật, bởi vì ông cũng là học sinh Cao Thắng, bậc đàn anh của tôi.

    Chẳng những vậy, giáo sư Dõng sắp xếp giúp ông Nguyễn Chánh Lý Tổng Giám Đốc Mê-Kông ngân hàng, trụ sở đường Hàm Nghi, là phụ huynh của em Đức, ông mời chúng tôi đi ăn ở nhà hàng nổi Ngân Đình, chỗ Cột Cờ Thủ Ngữ, có cả giáo sư Nguyễn Văn Phấn, Vũ Duy Thuận, Phan Đình Du …, về gia đình thì ông Nguyễn Chánh Lý thứ tư, ông Dõng đến thứ mười. Ông Lý trước kia là Tổng Giám Đốc Ngân Hàng Kỹ Thương, là Ngân hàng của Quân Đội, mỗi tháng từ Sĩ quan cho đến anh binh nhì đều đóng góp 100 đồng làm vốn, Ngân hang có trụ sở gần cuối đường Nguyễn Huệ, sáng kiến này hình như của Trung Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Tổng Trưởng Quốc Phòng thời đó, nhưng người Mỹ không muốn Quân đội có tài sản riêng, bắt buộc Ngần hàng phải giải thể, tiền đóng góp bị khấu trừ lương, khi Ngân hàng giải thể nghe đâu hoàn lại tiền vốn, nhưng riêng tôi không nhận được đồng nào!!! Cái đó không đau bằng, nếu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có tài sản riêng, sau Hiệp Định Paris năm 1972, người Mỹ cắt dần Viện trợ, cuối cùng đến năm 1975, gần như không viện trợ nữa, chúng ta không có tiền mua súng, mua đạn. Đánh nhau mà không có súng đạn thì chỉ còn nước đầu hàng. Giả dụ như, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có Ngân Hàng, có tiền mua súng, mua đạn cuộc chiến chưa biết ra sao? Người Mỹ đã biết trước cho nên họ đã khóa chân, cột tay Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, làm sẵn cỗ bàn để mời anh Cộng sản ngồi vào.

    Chúng ta biết hãng hàng không Eva là hảng hàng không dân sự của quân đội Trung Hoa Dân Quốc, gọi nôm na là Đảo quốc Đài Loan, sao quân đội Đài Loan cũng chống Cộng mà họ được kinh doanh, còn chúng ta lại không được?

    Về chuyện này, tôi nhớ tới em học sinh Nguyễn Văn Hoàng, con ông Giám Thị Nguyễn Văn Anh ở Trường Y-Út Ban Mê Thuột kể lại sau cuộc chiến:

    Em Hoàng là tùy viên của Tướng Bùi Thế Lân, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến, trong cơn hấp hối của Vùng Một, Bộ Tư Lệnh TQLC đặt bản doanh ở Đà Nẳng, một hôm có người Mỹ mặc thường phục, vào Bộ Chỉ Huy gặp Tướng Lân, nói rằng:

    Tôi nhân danh người Mỹ và quân đội Mỹ đến gặp Thiếu Tướng, báo cho Ngài biết vì chúng tôi rất quý mến binh chủng của Ngài, nên muốn giúp trong lúc nguy khốn này. Theo giải pháp hiện nay, chánh phủ của Ngài đã đồng ý giao cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ vĩ tuyến 17 vào đến Vĩ Tuyến 13, ai ở đâu ở đó, không được thay đổi nguyên trạng, cho nên đến giờ N, binh chủng của Ngài nếu vẫn ở đây thì sẽ nằm dưới quyền kiểm soát của Chánh Phủ Lâm Thời Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Cho nên vì mến mộ binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, nếu Ngài đồng ý trong vòng 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi sẽ đưa tàu đến để chuyên chở toàn bộ binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến vào Nam. Quá 2 giờ đồng hồ chúng tôi không bảo đảm có thể điều động chiến hạm đến chuyên chở binh sĩ. Ngài cũng đừng chờ hỏi xin quyết định của Sàigòn, vì họ đã quyết định rồi, và quyết định không thông báo cho các Ngài biết.

    Tướng Lân liền cho họp khẩn cấp Bộ Chỉ Huy và quyết định nhờ người Mỹ kia can thiệp để Hải Quân Mỹ chuyên chở Thủy Quân Lục Chiến về Nam, bỏ ngỏ Đà Nẳng.

    Từ đó, Quân Đội chúng ta đã rút đi trước khi Cộng sản đến, như ở ĐàLạt, Trường Võ Bị rút đi, tình hình bất an, người dân phải đi kiếm Cộng Sản mời vào.

    Sau này vào khoảng năm 1978, Trung Quốc tiến đánh các tỉnh phía Bắc, mấy cán bộ cộng sản ngồi uống trà nói với nhau:

    - Bởi vậy hồi năm 1975, Trung Quốc không cho chúng ta tiến quân vào tiếp thu Miền Nam!

    Tướng Di, Tướng Lưỡng đều bị đi học tập cải tạo, hình như con hai ông Tướng: Toàn cũng như Nam đều được sang Mỹ định cư từ năm 1975, riêng Tướng Di là một trong bốn ông Tướng được thả một lượt sau cùng, trong đó có Tướng Lê Minh Đảo, người đã Chỉ Huy đánh trận sau cùng với cộng quân ở Xuân Lộc. Tôi đã nhìn thấy hàng quân của Tướng Đảo, mặt tuy buồn thảm, trên thân còn chỉ chiếc quần, vẫn cùng đồng đội hiên ngang đi trên đường Phan Thanh Giản, tiến về Miền Tây. Hình ảnh đó gây xúc động hơn nhiều khi xem phim cầu sông Kwai, bởi vì tôi cũng là người trong cuộc, chịu nỗi đau thương buông súng tan hàng, dẫu rằng lúc đó tôi chưa nghĩ đến cảnh tình nước mất nhà tan sau này.

    Về sinh hoạt của Trường thì sau khi Nha Kỹ Thuật giải thể, Nha Học Chánh giao cho Trường tổ chức thi cấp bằng đánh máy chữ, mở thêm lớp Thương Mại do giáo sư Vũ Hữu Vĩnh phụ trách và Họa Viên Kiến Trúc do Kiến trúc sư Lê Văn Giệp phụ trách.

    Ông Nhuận Huấn Luyện Viên Thể dục Thể thao thường đi trễ về sớm, nhiều hôm bỏ lớp không thông báo, trước khi bàn giao cho Tôi, ông Tài muốn tôi thuyên chuyển ông Nhuận đi nơi khác, tôi nói với ông Tài:

    - Về ông Nhuận, tôi không biết chi hết, vì tôi dạy ở Trường, ông ta tập các em học sinh ở sân Hoa Lư, anh nói tôi mới biết, nhưng tôi mới lên, tôi không muốn làm chuyện ấy, nếu anh thấy ông Nhuận không làm tròn trách nhiệm, anh chuyển ổng đi trước khi tôi nhận việc thì tốt hơn.

    Thế là ông Tài đã chuyển ông Nhuận đi. Sau khi nhận bàn giao, tôi xem lại nhân sự Trường, thấy có ông Khưu Văn Triệu, Trường trả lương, nhưng ông ta làm việc ở CPS do ông Đỗ Ngọc Yến làm Giám Đốc, cơ quan đặt trong sân Hoa Lư, tôi bèn yêu cầu văn phòng mời ông Triệu đến gặp tôi có việc cần bàn.

    Tôi đã tiếp ông Triệu tại văn phòng và cho biết ý kiến của tôi trong việc ông được biệt phái sang CPS, vì Trường đang mở Đệ Nhị Cấp, cần giáo sư do đó ông Triệu chọn một trong hai đề nghị của tôi: Một là ông trở về Trường, nếu ông ta muốn dạy học. Hai là ông chuyển hẳn sang CPS. Ông Triệu không suy tính, vui vẻ trả lời ngay với tôi, để ông thu xếp, tuần sau trở về Trường.

    Để chuẩn bị cho một Đội bóng đá của Trường có khả năng thi đấu, tôi đề nghị ông On tìm học sinh đá bóng giỏi, cho vài em cầu thủ xuất sắc vào học khỏi thi. Có một em đã được chọn vào học, đội bóng bắt đầu tập luyện thường xuyên, em thủ môn nay tôi đã quên tên, tuy tròn trịa một chút, nhưng em bắt banh giỏi và cũng nhanh nhẹn, trong đội bóng có em Cao Công Bình, con của giáo sư Cao Văn Sửu, và có một em tên Hán.

    Vào cuối năm đó, đội tuyển Thiếu Niên Việt Nam được sang Phi Luật Tân tham dự giải bóng đá Thiếu Niên Á Châu, trong đó có em Bình được tuyển trong Đội banh của một Trường Tư Thục, em đi học thêm ban đêm ở đó. Trường đó có ba bốn em được tuyển, Trọng Tài Dzu mới can thiệp với Hội Đồng tuyển chọn, chuyển em Bình sang là cầu thủ của Trường Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ được tuyển chọn trong Đội Tuyển Thiếu Niên Việt Nam dự giải bóng đá Thiếu Niên Á Châu. Hình như lần đó chúng ta được vào bán kết. Sau khi dự giải về, Thầy Sửu thân phụ em Bình có mang biếu tôi một hộp thuốc Xi gà, loại hộp gỗ 10 điếu to và dài không có cán.

    Vào ngày thứ Hai 10 tháng 3 năm 1975, sau lễ chào Quốc kỳ, tôi vào bàn làm việc một lúc, có việc nên tôi bước ra ngoài định đi xuống Xưởng Máy Dụng Cụ, vừa bước ra cửa, tôi gặp ông Nguyễn Văn Huệ, mặc bộ Kaki bốn túi màu vàng, đang săn sái bước về hướng phòng của tôi. Thấy ông, tôi đứng lại trong hành lang, nhìn ông thấy rõ nét mặt lộ vẻ lo lắng, ông tiến đến gần, nói vừa đủ cho tôi nghe:

    - Anh làm ơn cho tôi gọi nhờ điện thoại về Banmêthuột.

    Tôi hướng dẫn ông Huệ vào bàn làm việc của tôi, để ông tự tiện gọi điện thoại, tôi đi ra hành lang đứng chờ.

    Chưa đầy 5 phút, ông Huệ đi ra gặp tôi, nói:

    - Anh có bận gì không?

    - Không tôi đang rảnh.

    - Vậy! Mình ra quán cà phê ngồi nói chuyện chơi.

    Chúng tôi chọn quán cà phê Út Bạch Lan bán ở trong đình Tân Kiểng, ông Huệ uống cà phê đá, còn tôi uống cà phê đen, ông Huệ nói nhỏ, vừa đủ cho tôi nghe:

    - Sáng nay tôi vào Họp Thượng Hội Đồng Kinh Tế Quốc Gia, mấy ông gặp tôi nói ngay: “Banmêthuột anh mất đêm hôm qua rồi, anh không hay hay sao, anh nên về lo việc nhà hơn là ở đây họp”. Tôi đến Bưu Điện gọi về Trường Ban Mê Thuột không được, tôi lại đến anh để gọi coi có được không, nhưng lại cũng không được, quả Banmêthuột đã bị mất hôm qua, tôi lo quá, nhà tôi và con tôi.

    - Vậy anh không biết tin tức gì trước khi anh về đây hay sao? Anh về Sàigòn hồi nào?

    - Tôi về từ hôm qua, lúc ở phi trường Phụng Dục chờ máy bay, tôi có gặp ông Đại Tá Luật Tỉnh trưởng vừa mới đi thị sát về, ông ta còn nói với tôi : “Anh cứ yên tâm đi họp đi, tình hình rất yên tịnh, không có gì đâu?”. Sau khi gặp ông Tỉnh Trưởng, tôi an tâm về đây, bây giờ thế sự như vầy. Xe tăng tiến đánh Banmêthuột chớ bộ xe bò đâu mà mấy ông tướng tá không biết chi hết!

    Từ đó tình hình bất an, sau là là cuộc tái bố trí lực lượng của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Quân Đoàn 2 bỏ Pleiku đem về Nha Trang. Trong khi đó thì Học sinh, Sinh viên lại biểu tình ở Sàigòn trong phong trào phản chiến.

    Một hôm, ông Đỗ Văn Bình vào phòng của tôi nói cho tôi biết trước đó vào khoảng nửa giờ, có một Đại Úy Cảnh Sát vào thăm ông, Đó là Đại Úy bạn của ông đang làm Cảnh Sát Trưởng quận Nhứt cho biết học sinh Nguyễn Trường Tộ và Phan Đình Phùng tổ chức sắp sửa biểu tình, hỏi ông Bình có biết không? Và tình hình trong Trường như thế nào? Dĩ nhiên ông Bình cũng như tôi đều có biết, nhưng lúc nào thì chưa rõ.

    Sau khi nói chuyện với ông Bình một lúc, ông ra về, tôi vào phòng Giám Thị sai học sinh trực gọi Nguyễn Đình Đông, Trưởng Ban Đại Diện học sinh Trường đến gặp tôi.

    Trong cuộc gặp này chỉ có Đông và tôi mà thôi, tôi nói cho Đông biết Cảnh Sát Quận Nhất đã đến báo động cho ông Bình, như vậy việc của các em làm chưa chi đã bị lộ quá sớm. Tôi khuyên Đông báo cho các em trong Ban Đại Diện cẩn thận, coi chừng Cảnh Sát hốt trước khi các em hành động. Thứ nữa là cần phải bảo mật, tin đáng nói cho ai thì chỉ nói cho người đó biết mà thôi.

    Sau đó, nhiều việc dồn dập xảy đến, tôi không biết thêm về hành động của các em Ban Đại Diện Học Sinh của Trường.

    Ông Nguyễn Minh Quân, giáo sư dạy giờ của Trường, ông là Kỹ sư Nông Lâm Súc, khi ông nộp đơn xin dạy, ông Phấn đưa ông Quân vào giới thiệu với tôi, tôi tưởng ông Quân là bạn ông Phấn, ngược lại ông Quân nói thế nào không biết, ông Phấn lại nghĩ ông Quân là bạn của tôi, thế là cả hai chúng tôi chấp nhận ông Quân dạy giờ.

    Nhìn nét mặt, nhìn bộ râu ông Quân, không ai không nghĩ ông ta là tay chịu chơi, mà ông Quân chịu chơi thật, vì sau năm 1975, sau khi tôi đi học tập cải tạo về, ông Quân mò tìm đến thăm tôi, cho biết là vợ con đã vượt biên, ông còn ở lại với bà cụ. Một hôm ông ta gọi điện thoại báo cho biết, ông ta có chai rượu thuốc ngon, chiều sẽ ghé với một người bạn, uống vài chung cho bổ. Tôi đâu cách chi từ chối.

    Chiều hôm đó, tôi đi làm về một lúc thì ông ta ghé nhà tôi với một người bạn và một người đàn bà, rồi ông bày thức ăn vịt quay ra với chay rượu thuốc, ba chúng tôi uống, còn chị kia xin uống nước trà, chuyện vãn một lúc, ông Quân hỏi tôi:

    - Giả dụ bây giờ có ai tốt bụng, cho ông vượt biên không tốn tiền, ông nghĩ sao?

    - Thời buổi này có ai mà tốt vậy?

    - Cho nên tôi mới giả dụ và sự trả lời của ông mới thật tình. Chớ chuyện thật còn bị tính toán.

    Như ông Quân đã nói, tôi nghĩ sao trả lời vậy:

    - Thật ra thì tôi không tính vượt biên. Nếu đi thì cần cho thằng con trai của tôi, nếu đi tôi phải tính mang nó theo, chớ tôi đi làm gì?!

    Khi uống hết chai rượu thuốc đó, khách xin phép ra về. Chia tay nhau, tôi không nghĩ chi hết, chừng một tháng sau, tình cờ gặp lại ông Quân ở chùa Linh Sơn, cầu Ông Lãnh, ông Quân nói:

    - Tôi đưa bà Cụ tôi đi chùa ở đây, định hôm nào đến thăm ông nói chuyện chơi, hổm nay chưa rảnh, nay sẵn gặp đây tôi nói cho ông nghe, hôm tôi đưa người đàn bà đó tới nhà ông, để cho tự nhiên tôi không nói trước, bà ta chủ tàu, tôi giới thiệu để bà ta tới tìm hiểu giúp ông, sau đó bà ta nói với tôi, vì ông không cần thiết lắm, trong khi có những người thật sự cần giúp đỡ hơn nên bà ta dành phần ưu tiên giúp đỡ cho người khác, tôi thật đáng tiếc không giúp được ông.

    Tôi cám ơn ông Quân có lòng tốt với tôi, quả ông là một người bạn tốt, từ dạo đó đến sau này tôi không gặp lại ông Quân, chắc là ông cũng đã đi nước ngoài vì vợ con của ông đã đi từ lâu.

    Nhưng còn một chuyện dính tới ông Quân đã làm thay đổi đời tôi, nhiều lúc nghĩ giá ông đừng đưa tôi đọc quyển sách Lối Thoát Cuối Cùng của Gheorghiu, có thể đời tôi tốt đẹp hơn không?

    Quyển sách ấy nói về Cộng sản, về những người chạy trốn Cộng sản xin tị nạn ở các nước Tự do. Có người đã đến Pháp, được phỏng vấn đi tị nạn ở nước thứ ba, sau gặp những trắc trở, không khác chi những người Việt vượt biên sau này, cuối cùng ông ta trở về để được chết tại quê hương mình.

    Sách do Hằng Hà Sa và Bích Ty dịch từ bản Pháp Văn La Second Chance, Lá Bối Xuất bản năm 1968, sách dày tới 550 trang chữ nhỏ, xin chép lại trang chót của Nhà Xuất Bản Lá Bối:

    Ngòi bút của Virgil Gheorghiu quả thật là chua chát và mỉa mai; bởi vì tác giả chống tất cả chủ trương phi nhân. Các nhân vật của V. Gheoprghiu sau những đày ải lần lượt chết đi dưới những vị kỷ khắc nghiệt được ngụy trang rất khéo bằng những chủ nghĩa hoa mỹ. Nhưng tất cả phải chết đi để cho ý thức nhân bản trong mỗi người, mỗi xã hội được sống. Làm sao mà không chua chát mỉa mai cho được khi mà 20 năm sau cuộc thế chiến hãi hùng, con người vẫn đang còn bơ vơ, lạc lõng, lo sợ trước những tranh chấp chủ nghĩa, trước những đe dọa đang đẩy họ vào những đường cùng không lối thoát.

    Và phải chăng V. Gheorghiu cũng đang viết về sự bế tắc của con người đau đớn trên xứ sở Việt Nam thân yêu.

    L.B.

    Tôi nhớ, ông Quân đưa cho tôi mượn đọc quyển sách này, khoảng 15-3-1975, quyển sách đã được nhiều người đọc bèo nhèo, bìa bao một tờ giấy trắng Bristol dầy, loại giấy vẽ kỹ nghệ họa, giấy đã ngã màu vàng, sách long gáy nhưng may mắn còn nguyên vẹn các trang, tôi quên trả ông Quân, mà ông Quân quên đòi lại, cho tới nay tôi vẫn còn giữ trong tủ sách của mình, đây là cuốn sách duy nhất, không phải tôi mua nằm trong tủ sách của tôi. Tôi giữ sách để kỷ niệm, vì nó đã làm thay đổi đời tôi. Gần 10 năm sau, một anh cán bộ Cộng sản, nói với tôi:

    - Tôi đọc Gheorghiu rất thích, như Giờ thứ 25, tôi nghe nói quyển Lối Thoát Cuối Cùng còn hay hơn, nhưng chưa được đọc. Nghe anh ta nói, tôi không dám để lời khen hay chê, cũng không dám cho anh ta mượn sách đọc, bởi vì trong đó tác giả tả chân, tả thực sự giả trá cực kỳ tinh vi nham hiểm, tàn nhẫn, và vô nhân đạo, đạp lên tất cả những thứ đó để xây dựng một chế độ Cộng sản.

    Tôi nói, sách ấy đã thay đổi đời tôi, bởi vì những ngày Sàigòn hấp hối, nhà tôi là nhân viên Văn phòng Tòa Đô Chánh, ông Đô trưởng Đỗ Kiến Nhiễu, người Long An, học trò của ông ngoại nhà tôi. Một hôm đi làm về, nhà tôi bảo:

    - Ông Nhiễu đi, cho phép gia đình mình đi theo, anh có muốn đi không.

    Tôi đã quyết định:

    - Đi để làm gì?

    Khoảng 25 hay 26, ông Nguyễn Văn Tuấn báo cho tôi biết:

    - Ông Hiệu Trưởng, có người gọi điện thoại, báo cho biết sẽ lên đường ngày mai, muốn chào từ giã ông, và cho số điện thoại để ông gọi lại.

    Ông Tuấn đưa cho tôi số điện thoại, ghi trên tờ giấy nhỏ, tôi biết người gọi muốn nói chuyện với tôi qua điện thoại để từ giã, bởi vì kẻ chân trời, người góc biển, có thể sẽ chẳng bao giờ còn gặp lại. Tôi không muốn làm bịn rịn người đi.

    Hôm sau, có giáo sư Nghĩa, giáo sư ở Trường Nông Lâm Súc Sóc Trăng, cháu gái của người gọi điện thoại cho tôi, vào văn phòng gặp tôi:

    - Thưa chú, mẹ cháu có việc cần và gắp nhắn chú xuống nhà, gặp mẹ cháu một chút.

    Tôi đành phải trả lời:

    - Ừ ! Để chú xuống thăm mẹ cháu.

    - Cháu xin phép về, nhớ xuống nghe chú.

    - Được rồi! Chú nhớ!

    Mẹ của cô giáo sư Nghĩa đó là chị Nhạn, vợ anh Vỹ làm gác-dan hay thủ kho, kho 5 bến cảng Sàigòn, anh ấy được cấp nhà ở luôn trong kho 5. Anh Vỹ rất chất phác, nhưng chị Vỹ lanh lợi hơn, những năm đó, chị Vỹ làm nhà thầu đổ rác cho các cơ quan của Mỹ. Tôi không biết vì lý do gì vào giờ thứ 25 chị vẫn nhớ tới tôi, nhưng biết chắc là chị gọi tôi xuống để cho gia đình tôi đi Mỹ. Tôi đã chọn lựa, tôi không đến gặp chị ấy. Cô giáo sư Nghĩa hiện nay định cư ở Virginia, còn chị Vỹ đã mất năm 2008 vì tai nạn ô-tô ở Virginia, tôi vẫn còn chưa có dịp gặp lại, để xin lỗi và bày tỏ lòng cám ơn chị Vỹ.

    Ngày 30-3-1975 Đà Nẵng mất, tình hình Việt Nam hết sức rối ren, vài hôm sau đó giáo sư Lê Tha gặp tôi và xin cho nghỉ một tháng để đi về Đà Nẵng rước gia đình vào. Tôi trả lời với ông Tha, tôi không có quyền cho nghỉ quá 3 ngày, tôi lại không có quyền cho ông đi ra vùng Cộng sản đã chiếm đóng. Hôm sau ông Tha nghỉ việc và đi Đà Nẵng cho đến sau khi Sàigòn rơi vào tay Cộng sản giáo sư Lê Tha mới trở về Trường, ngoài chuyện đó, giữa ông Tha và tôi còn một chuyện khác khá tế nhị, ông Lê Tha cho rằng tôi đã làm việc không đúng. Số là vào dịp lễ Quốc Khánh 1-11-1974, Nha có tham gia tổ chức triển lãm, Trường có tham dự cuộc triển lãm này, triển lãm xong, Trường dọn dẹp có mang về một số vật tư, trong lúc tôi làm Hiệu Trưởng, quỹ Sản Xuất của Trường phải mua vật tư cho học sinh, một ông giáo sư kia (nay đã mất) đem vật tư ấy đưa vào trong hóa đơn của nhà thầu, ông Tha là một trong những người thuộc Hội Đồng tiếp nhận vật tư, ông Tha không chịu ký thanh toán hóa đơn, vì cho rằng ông biết rõ nguồn gốc vật tư ấy không phải của nhà thầu cung cấp, mà vật tư ấy do Nha để lại. Tôi muốn giúp cho ông giáo sư kia, một là hoàn cảnh gia đình ông ta không được khá, mặc dù cả hai vợ chồng đều là giáo sư, hai vật tư đó không phải là tài sản của Trường. Tôi nài nỉ ông Tha ký để thanh toán tiền cho nhà thầu, nhà thầu sẽ trả cho ông giáo sư kia vài ngàn bạc. ông Tha rất không đồng ý, nhưng buộc lòng phải ký vì tôi yêu cầu. Đó là chuyện giáo sư Lê Tha không vui về tôi, hai là ông xin nghỉ đi Đà Nẵng tôi không cho phép. Sau này, nghe nói giáo sư Lê Tha có cửa hàng ở chợ Tân Bình, có đi du lịch ở Mỹ vài lần. Tôi có gặp lại ông năm 2008, chào hỏi xã giao, thấy ông vẫn khỏe mạnh như xưa.

    Ngày 20-4-1975, ông Lê Bá Thanh đang nằm dưỡng bệnh ở Bệnh viện để làm hồ sơ xin về hưu trí sớm, ông vừa là Trưởng Phòng Hành chánh, vừa là Phát Ngân Viên, hành chánh đã có ông Lê Văn Tuất làm việc thay, còn Phát Ngân Viên ông Thanh phải đi lãnh và phát lương, tôi gọi điện thoại nhờ ông Thanh về Trường đi lãnh chi phiếu ở Nha Tài Chánh, Bộ Giáo Dục, so ra, ngày đó quá sớm để lãnh chi phiếu phát lương, nhưng tôi nghe có nhiều nơi đã phát lương vì tình hình không ổn định, nên tôi mới cho mời ông Thanh vào Trường. Gặp tôi ông Thanh nói:

    - Hôm nay quá sớm, mình lên Bộ chưa chắc họ chịu phát Chi phiếu.

    Tôi nói với ông Thanh:

    - Tôi có quen với một ông Chủ sự phòng trên ấy, anh với tôi đi thử xem.

    Thế là ông Thanh và tôi đi xe của Trường, lên Nha Tài Chánh nằm trước mặt Bộ giáo dục số 35 Lê Thánh Tôn. Về địa chỉ này, có ông Túy cựu giáo sư của Trường, ông ấy nói tếu:

    - Bộ Giáo Dục là một Bộ đứng đắn nhất, vậy mà Bộ ở 70 Lê Thánh Tôn chia làm 2, nên cái kia ở 35 Lê Thánh Tôn (ý ông ta nói 70 chia cho 2 cũng là 35: Con Dê trong số đề 40 con).

    Đến đây chúng tôi thấy có rất nhiều Trường đến xin lãnh chi phiếu sớm hơn thờng lệ, thấy đông tôi phải vào phòng nhờ anh Nguyễn Văn Bình (nay định cư ở Dallas, Texas), tìm giúp cho chi phiếu của Nguyễn Trường Tộ, sau khi tìm xong, anh đem ra giao cho nhân viên để vào sổ làm thủ tục giao nhận, anh nói với tôi:

    - À! Còn một chuyện nữa, tôi mới thấy anh có một chi phiếu truy lãnh phụ cấp chức vụ, vậy anh chờ tôi thêm một chút, để tìm xem nó ở đâu, giao cho anh cho rồi.

    Nhờ vậy hôm đó, tôi ra ngay Tổng Nha Ngân Khố trên đường Nguyễn Huệ lãnh được năm, sáu ngàn. Ấy là cũng nhờ tôi sốt sắng lo việc Trường lại được việc mình. Một lân nữa cám ơn anh Bình

    Khi về Trường, hơn 10 giờ sáng, giáo sư Vương Quang Tí chạy chiếc xe gắn máy đỏ, phía sau có chở một thùng giấy bằng cỡ thùng sữa bò, ông Tí ăn mặc rất bình thường như vừa mới dạy người ta đánh quần vợt xong. Nên nói qua một chút, giáo sư Tí có du học ở Mỹ, ông lấy vợ Mỹ, khi về Việt Nam cô vợ Mỹ có theo ông sống ở Việt Nam, ngoài việc dạy học ở Nguyễn Trường Tộ, ông còn dạy cho mấy người Mỹ đánh quần vợt ở sân xế cửa Toà Đại Sứ Mỹ.

    Gặp ông Tí, tôi biết chắc chắn ông sẽ đi Mỹ, nhưng không biết lúc nào? Tôi đứng trong hành lang trước phòng Hiệu Trưởng, giáo sư Tí dựng xe ở đó, tôi hỏi:

    - Anh vào Trường có việc chi không?

    - Nghe nói có phát lương hôm nay, tôi ghé qua lãnh lương.

    Tôi nói nửa thật, nửa đùa với ông Tí:

    - Hôm nay Tổng Nha Ngân Khố đông người lãnh tiền quá, chắc anh Thanh về trễ, anh về lo thu xếp đi Mỹ đi, kẽo trễ máy bay. Nhớ trước khi đi chào anh em nghe!

    Ông Tí cười rất hả hê trả lời với tôi :

    - Giỡn chơi hoài! Đi đâu mà đi.

    - Thì đi Mỹ chớ còn đi đâu!

    Ông Tí không nói thêm, lên xe đạp máy chạy.

    Tôi đi ra ngoài uống cà-phê, chừng nửa giờ sau trở về. Mới ngồi vào ghế trong văn phòng mình, chuông điện thoại reo, tôi nhấc lên:

    - Alô! Tôi Tông nghe đây!

    - Chào anh Tông!

    - Anh Tí đó hả?

    - Đúng rồi, tôi đang ở phi trường. Chào tạm biệt anh nghe! Và nhờ anh chuyển lời chào tạm biệt tất cả anh em!

    - Chúc anh thượng lộ bình an và mọi điều may mắn.

    Tôi mở cửa ngăn phòng hành chánh và nói với mọi người:

    - Ông Vương Quang Tí, đang ở phi trường, gọi điện thoại cho tôi, nhờ chuyển lời chào tạm biệt tất cả anh chị em nghe!

    Thời gian này, ông Phạm Văn Sự Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Và Giáo Sư Nguyễn Trường Tộ có mời tôi đi ăn cơm tối ở nhà hàng trên đường Nguyễn Du, đối diện với vườn Tao Đàn, ông ta cho tôi biết, kho đạn của Trung Tâm Yểm Trợ Tiếp Vận Gia Định, chỉ cấp đạn đại bác cho các khẩu đại bác phòng thủ Sàigòn đủ bắn trong vòng 30 phút! Là Sĩ quan Quân cụ với nhau, nghe ông ta nói, tôi hiểu tình trạng thật là bi đát, dẫu rằng kho đạn Cát Lái là tổng kho, gần sát Sàigòn, nhưng số đạn dược phải phân phối đều cho các đơn vị trên toàn quốc, nếu Cộng sản tấn công Sàigòn với 60 ngàn quả pháo, Sàigòn chỉ còn đống tro tàn mà thôi.

    Từ đó, Cộng quân tiến dần về Nam, tôi họp Ban Giám Đốc Trường để thông báo về quyền lãnh đạo Trường khi có tình huống xấu xảy ra, chẳng hạn như tôi bỏ nhiệm sở, tôi bị thương, chết vì chiến tranh, thứ tự ấy được công bố rõ bằng Thông báo của nhà Trường cho Giáo sư và nhân viên được biết, nội dung đại để như sau:

    Trong trường hợp vắng mặt hay mệnh một, việc điều hành Trường theo thứ tự ưu tiên sau đây:

    1) Hiệu Trưởng.

    2) Giám Học

    3) Tổng Giám Xưởng

    4) Trưởng Phòng Hành chánh

    5) Tổng Giám Thị.

    Và chúng tôi quyết định mua một bao gạo 100 kg để tại Trường, phòng khi có chiến sự xảy ra, có gia đình nào tới Trường, có thể có gạo để nấu ăn tạm.

    Cho đến ngày 29-4-1975, ông Trần Minh Hoàng Phó Giám Đốc gặp tôi, ông xin cho gia đình ông tạm trú ở Trường, tôi giao chìa khóa phòng Hiệu Trưởng cho ông, chỉ chỗ để bao gạo và những thứ cần thiết khác.

    Ngày 30-4-1975, tôi không đi đâu vì Cộng quân đã bắt đầu pháo vào Sàigòn, đến 10 giờ sáng nghe hiệu lệnh của Tổng Thống Dương Văn Minh, yêu cầu binh sĩ ngưng bắn, ở đâu ở đó, chờ bàn giao chánh quyền.

    Nhà tôi có con hẻm độc đạo, phía bên kia là bót Cảnh Sát, thỉnh thoảng lại nghe tiếng súng Carbine nổ, tôi tưởng Cộng quân đang vây bót Cảnh Sát, và bót Cảnh sát đang chống trả. Đến chiều ông nhạc tôi ghé nhà cho biết:

    - Mấy con sao không đi chơi? Thiên hạ đi rần rần ngoài đường.

    Tuy biết vậy, tôi vẫn nằm nhà, lòng buồn vô hạn, cái buồn vong quốc thấm dần vào tôi và Que sera sera!

    Sáng hôm sau, Thầy Phấn chạy chiếc Lambretta đến nhà rủ tôi vào Trường, khi đi ngang qua Trường Gia Long, tôi thấy những ổ bánh mì, giấy báo rải rác, bên cạnh mấy vũng máu.

    Đến đường Công Lý thấy hàng quân ta mặc trụi một chiếc quần, săn sái tiến về Bến Xa Cảng Miền Tây, họ buồn vì thua cuộc lại thêm nổi lo cho gia đình, họ đi trong im lặng có trên 200 binh sĩ.

    Đến Hội Việt Mỹ thấy giấy tờ tung tóe ngoài đường Mạc Đĩnh Chi, đến một bệnh viện gần Trường, thấy người ta còn đang hôi của, một em bé chừng 13, 14 tuổi đang cõng trên lưng chiếc nệm dầy, trước cổng số 2 Phạm Đăng Hưng ngổn ngang những quần, áo, giày nón rằn ri của binh sĩ cởi bỏ lại.

    Vào Trường vắng ngắt, ông Hòa mở cửa cho chúng tôi vào, ông trao cho tôi chìa khóa của phòng Hiệu Trưởng do ông Trần Minh Hoàng gửi lại.

    Ngày hôm sau, một số đông giáo sư và nhân viên tới Trường, tôi yêu cầu tất cả vào phòng học lớp Thương Mại để họp, tôi chỉ nói ngắn gọn mấy câu:

    - Đất nước đã thay đổi, Trường cũng sẽ thay đổi, tôi không biết rồi ai sẽ điều khiển Trường này, từ trước đến nay, tất cả giáo sư và nhân viên Trường đều hòa thuận với nhau, nếu có điều chi đã không vừa lòng nhau, xin bỏ qua hết, để mọi người cùng hòa thuận sống yên vui với nhau như những năm tháng đã qua.

    Tôi thấy ai cũng lo ngại, không hiểu rồi sẽ ra sao.

    Vài ngày sau, các em học sinh của Trường ra chiếm bệnh viện bỏ trống, ghi Thông báo cơ sở đó thuộc về Trường Nguyễn Trường Tộ.

    Ngày 8 tháng 5, tôi đi dự cuộc họp Hiệu Trưởng các Trường Trung Học Sàigòn tại Nha Học Chánh, do mấy ông Cán bộ cấp cao từ Hà Nội vào, yêu cầu chúng tôi tiếp tục điều hành cho đến khi có người được phân công đến tiếp thu.

    Mấy hôm sau có Sáu Thọ đến tiếp thu và giao cho một cô giáo nằm vùng Trần Hoàng Quỳnh còn được gọi là Tư Quỳnh điều hành Trường, tôi và anh Đỗ Văn Bình tiến hành bàn giao.

    Đến 20-6-1975, giáo sư Phấn và tôi đi dự lớp Học Tập tại chỗ, được tổ chức tại Thư Viện Việt Đức góc Pasteur và Hồng Thập Tự, ngày 24-6-1975 được Thông báo các sĩ quan phải trình điện đi học tập 10 ngày. Hôm sau 25-6-1975 tôi đi trình diện ở Trường Tabert đường Nguyễn Du, sau đó chuyển lên Trảng lớn và Cà Tum ở Tây Ninh, đến 16-9-1977, tôi được “Giấy Ra Trại” Tạm hoãn học tập cải tạo. Tính ra tôi đã ở trong lao tù Cộng sản 2 năm 2 tháng 20 ngày.

    Từ đó tôi nghĩ rằng mình không còn trở lại dạy học nữa. Hồi ở Trảng Lớn đa số chúng tôi là Thầy giáo ở chung, nào là giáo viên ở Nha Sinh Hoạt Học Đường, nào là giáo viên ở các Trường Thủ Đức, trong đó có anh Khanh con rể của ông Giám Thị Bùi Khắc Triệu, có anh Trần Mạnh Du Tổng Giám Thị Phan Đình Phùng, chúng tôi không còn đi dạy học, không còn được lãnh lương nữa, nên thường đùa với nhau là đám người “Mất dạy vô lương”.

    Năm 1990, tôi đi Đà Lạt, có người mời tôi về nhà anh ta ngủ, lần đầu tiên chúng tôi biết nhau qua sự giới thiệu của một người quen biết khác, sau khi uống trà, chuyện vãn một lúc, chủ nhà nói với tôi:

    - Để tôi coi cho anh một quẻ, anh cho tôi tiết tuổi của anh, của chị và anh muốn biết chuyện chi?

    Tôi nghĩ cũng là cách làm quen, tạo chuyện cho thêm đậm đà buổi sơ giao. Sau khi nói tuổi của tôi và tuổi của nhà tôi, tôi nói thêm:

    - Tôi được chị ruột bảo lãnh năm 1984, năm ngoái, phái đoàn Mỹ gửi thư cho chị tôi, báo cho biết sẽ phỏng vấn tôi ngày gần đây. Vậy mà gần 2 năm rồi chẳng thấy chi, nhờ anh xem thử.

    Sau khi trầm ngâm suy nghĩ một chút, anh ta nói:

    Số anh không có làm Trưởng, nhưng anh làm phụ cho ai thì người ta tin cẩn anh lắm. Anh không có số đi ngoại quốc, nếu người ta ký giấy cho anh rồi, người ta cũng xé bỏ. Anh không có số đi ngoại quốc, nhưng chị có. Trước đây tôi có giúp một người đã thành công, vậy anh làm thử theo tôi coi. Vậy anh về, đến ngày X, anh viết đơn khiếu nại rồi đưa cho chị ký, đến ngày Y anh đem thư ra Bưu Điện gửi. Phần anh tôi cho anh ba tờ giấy này, anh về dán sau lưng, một tờ là 3 ngày, 3 tờ là 9 ngày, không được tắm, không được gần đàn bà.

    Tôi không mấy tin tưởng, nhưng về Sàigòn rồi, tôi cũng làm đúng y theo lời anh ta căn dặn, để thử xem sao. Gần hai tháng sau tôi được giấy báo ngày đi phỏng vấn ở Sở Ngoại Vụ nằm trên đường Pasteur. Khi phỏng vấn họ bắt đầu hỏi đứa con nhỏ nhất của tôi, rồi mọi người đều được hỏi gần giống nhau, chỉ có bốn câu:

    - Thề nói sự thật.

    - Muốn đi Mỹ không?

    - Có gia đình chưa?

    - Muốn lập gia đình trước khi đi Mỹ không?

    Rồi người Mỹ Phỏng vấn nói với chúng tôi, ra ngoài lấy vé máy bay. Tôi đã đến Mỹ định cư từ năm 1991, mọi việc đều đã trễ với tôi, khi đã gần đi qua khỏi tuổi Tri Thiên Mệnh, nhưng đều đáng nói là các con tôi đã không được học hành cho đến nơi đến chốn, tôi yêu nước, đặt tên con mình là Ái Quốc, nhưng tôi ở lại là sự tai hại vô bờ, ân hận thì mọi việc đã quá muộn màng.

    Năm 2008, tôi về Sàigòn, định đến 25 bis Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ) chụp một tấm ảnh về ngôi trường cũ Nguyễn Trường Tộ, nhưng đến nơi người ta đang đập phá khu đó, xe cơ giới cùng gạch ngói ngổn ngang, bụi bay mịt mù, tôi đến đã quá trễ tràng, không còn chi để ghi lại dấu xưa.

    Nay nếu có ai cắc cớ hỏi: “Nếu trở lại trước 1975, anh sẽ làm điều gì cho là có ý nghĩa?”

    - Tôi xin lỗi các em học sinh của tôi, tôi đã quá khó với các em, bởi vì tôi muốn các em luôn luôn cầu tiến, vượt lên và vượt lên hơn tôi.

    Tôi vừa viết xong bài này thì có điện thoại reo, nhấc điện thoại lên nghe mới biết giáo sư Hà Mộng Giao gọi tới chúc Tết. Tôi thật không ngờ, vì anh với tôi không thân không sơ, hồi còn ở Việt Nam, tôi có nghe giáo sư Tạ Quan Mùi nói đã làm mai cho anh lập gia đình, sau đó anh vượt biên, được định cư ở Đức, rồi được bên vợ bảo lãnh sang định cư ở Mỹ từ năm 1994. Từ năm 1975 tới nay tôi chưa gặp lại giáo sư Giao, vậy mà hôm nay anh gọi điện thoại cho tôi, ngoài chúc Tết, còn kể cho nhau nghe bao nỗi thăng trầm cuộc đời, nay anh định cư ở Nam Cali. Thật là ấm lòng, trong đêm trừ tịch còn có đồng nghiệp sau hơn 30 năm, tìm ra số điện thoại gọi tới.


Huỳnh Ái Tông
   25-1-2009
   1-3-2009

Nguồn: Huỳnh Ái Tông Blog

 

Bình luận  

 
0 #4 Quách Văn Mới Thứ 5-06-18 17:31
Cám ơn tác giả và trang mạng này. Lời cuối của ông để xin lỗi các em học sinh của mình bỗng nhiên làm lòng tôi thật ngậm ngùi, lệ chực rơi. Vì có người thầy nào lại không muốn như thế với học trò của mình. Bài viết nhẹ nhàng, tuần tự, như lần giở lại những đoạn đời riêng tư trong hoàn cảnh chung của đất nước. Cám ơn tác giả đã nhắc về những người và việc của ngày xưa.
 
 
0 #3 Nguyến Phong Lưu Thứ 2-04-16 04:09
Kính Thầy,
Em là học sinh của Trường Nguyễn trường Tộ, từ năm 1972, thầy Tài và thầy là Hiệu Trưởng. Em học cùng lớp 12 với Nguyễn đình Đông .
Em kính chúc thầy được nhiều sức khỏe.

Trân trọng.
 
 
0 #2 Minhman Tran Thứ 5-02-16 06:57
Thua Thay!
Em la Tran Vo Minh Man hoc sinh lop 82P2 sau 1975. Chac thay khong nho em, nhung chac co le thay nho lop 82P2 ma chuong trinh hoc chi co 1.5 nam va khong co hoc van hoa. Em hoc ve ky thuat voi thay. Em dang o Garland, TX. chuc thay luon manh khoe va viet them nhieu bai bo ich. Kinh.
 
 
0 #1 xuan canh Thứ 3-02-16 18:32
Đọc bài thày Tông rất thú vị. Em vào trường NTT lớp 8 năm 1967 và ở trường 2 năm đến 1969 thì qua Cao Thắng
Năm 1980 em có ghé qua Phân viện Thiết Kế của Sở Công Nghiệp để gặp thày Tông xin việc làm ở đây vì đi vượt biên kg dược nên mất việc cũ rồi
Trước Tết 1980, em có nộp đơn xin vào làm ở Phân viện Thiết kế chờ đến sau Tết cũng kg thấy kết quả gì, sau cùng em lấy lại hồ sơ thẳng đường Hai Bà Trưng đạp xe lên Xí nghiệp Đay Thảm Len ở cuối đường Hai bà Trưng , phía sau tượng Trần Hưng Đạo và được chấp thuận làm việc ở đây.
Ngày 06/2 /2016 này em có qua LA chơi với bạn bè. Hy vọng gặp lại thày Tông. Còn thày Dõng e vẫn gặp hoài ở Orange County. So DT liên lac của Xuân Cảnh 562.261. 6042 khoang ngày 7/02 em sẽ có mặt ở Los Angeles khoảng 14h
Mong sẽ gặp thày ở Mỹ
Còn thày Phấn hay Ông Hoa cựu Hiệu Trưởng Bến tre ở Úc em cũng đã gặp họ ở Úc rồi
tran trong
XUAN CANH
 

Bạn không có quyền bình luận.