Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam - Phần 1 Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Các Trường Kỹ Thuật VN

Giới thiệu tác giả

HuynhAiTongÔng Huỳnh Ái Tông, hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ Sàigòn trước 30/04/1975. Sau thời gian cải tạo và trở về làm việc cho Sở Công Nghiệp Thành phố, năm 1983 ông được trở lại trường cũ, giữ một chức vụ trong Ban Giám Hiệu, trường có tên mới là Trung Học Kỹ Thuật Công Nghiệp Thành Phố HCM. Ông là một trong những cựu giáo chức còn giữ nhiều hình ảnh, tài liệu và rất gắn bó với ngành học Kỹ Thuật Miền Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm Hội Ái Hữu Liên Trường Kỹ Thuật Việt Nam Úc Châu thầy Tông gửi đăng bài viết “Vài Kỷ Niệm với Trường Kỹ Thuật Việt Nam”. 

Xin trân trọng giới thiệu cùng quý Thầy Cô và các cựu học sinh Kỹ Thuật.

Nguyễn Phấn, cựu giáo chức TH. Kỹ Thuật NTT, Sàigòn

 

Vài Kỷ Niệm Với Trường Kỹ Thuật Việt Nam

Phần 1: Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Các Trường Kỹ Thuật VN

Huỳnh Ái Tông

Tôi không nhớ rõ ai và năm nào, tôi được giới thiệu để gia nhập vào Hội Ái Hữu Cựu Sinh Viên Các Trường Kỹ Thuật Việt Nam.

HuyHieuCHSKT

Có thể anh Tạ Quan Mùi, giáo sư dạy xưởng Nguội Trung học Kỹ Thuật Nguyễn Trường Tộ đã quảng bá với tôi về Hội nầy, sau đó tôi đến gặp ông Thanh tra Phan Văn Mão, tại Phòng Thanh Tra của Nha Kỹ Thuật Học Vụ, để xin đơn gia nhập Hội, sau khi tôi về Trường nầy năm 1970 và ít ra trước 1974 vài năm.

Cho đến nay, tôi còn giữ được rất nhiều giấy tờ tùy thân như Thẻ Căn Cước, Chứng Chỉ Tại Ngũ, Thẻ Học Sinh, Sinh Viên, thậm chí đến cả thẻ của Viện Hối Đoái thuộc Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam, để xin chuyển ngân mua sách ngoại, vậy mà tôi không có cái thẻ Hội viên nầy, do đó cũng là lý do tôi không nhớ mình đã gia nhập Hội năm nào, nhưng phải sau năm tôi chuyển về Trường Nguyễn Trường Tộ và trước khi Đề Đốc Trần Văn Chơn về hưu năm 1974.

Tôi có dự họp tất niên của Hội ít ra là 2 lần, những lần nầy đều được tổ chức tại Câu Lạc Bộ Hải Quân vào dịp cuối năm. Câu Lạc Bộ nầy là một chiếc Xà Lan của Mỹ được cải tiến thành một nhà hàng dành riêng cho Hải Quân, đậu thường trực ở bến Bạch Đằng giữa Bộ Tư Lệnh Hải Quân và Hải Quân Công Xưởng.

Tôi nhớ mỗi lần họp, có ông giáo sư Thanh, 80 tuổi từ Cần Thơ lên dự, luôn luôn được giới thiệu trang trọng, có thể là Thầy của quý Thầy và được mời ngồi vào bàn Chủ tọa đoàn. Những Hội viên tham dự khá đông, tôi không thể biết và nhớ hết, nay chỉ còn nhớ có ông Lý Kim Chân, ông Phan Văn Mão, Phan Kim Báu, Lê Văn Kiệt, ông Nguyễn Văn Trương Giám đốc nhà sách Khai Trí, lần nào tham dự ông cũng mang theo sách, một số để biếu và một số để làm quà thưởng.

TT NguyenVanThieuTổng Thống Nguyễn Văn Thiệu

OngLyKimChanÔng Lý Kim Chân

OngPhanVanMaoÔng Phan Văn Mão

OngKhaiTriÔng Khai Trí

DeDocTranVanChonĐề đốc Trần Văn Chơn

Thức ăn Ban Tổ Chức đặt mỗi người một phần ăn ở hiệu Lưu Luyến trên đường Phan Thanh Giản, gần trường Vương Gia Cần với Chả cá Thăng Long.

Tôi nhớ chắc trong một lần bầu Ban Chấp Hành Hội, có thể là lần sau cùng, Đại tá Nguyễn Văn Lịch, chỉ huy trưởng Hải Quân Công Xưởng được bầu làm Hội Trưởng, ông Phan Văn Mão chức vụ Tổng Thư Ký, Đề Đốc Trần Văn Chơn được mời làm Hội Trưởng Danh Dự, Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu được mời làm Hội viên Danh Dự, ông Lý Kim Chân, ông Khai Trí đều có giữ chức vụ nhưng đến nay tôi không được nhớ. Thời đó, đa số Hội viên đều là cựu học sinh Trường Kỹ Thuật Cao Thắng, phần lớn đi ngành Hàng hải, Hải quân, một số ít theo ngành giáo huấn, kỹ nghệ. Riêng có ông Nguyễn Văn Trương thành công về kinh doanh với nhà sách Khai Trí và hoạt động văn hóa với tạp chí Thiếu Nhi.

Còn Tiếp

Phần 2: Trung học Kỹ Thuật Cao Thắng

Phần 3: Ban Cao Đẳng Sư Phạm Kỹ Thuật

 

 

 

 

Bạn không có quyền bình luận.